[chitiet]

Với những người làm cái nghề Kiến trúc sư, còn gọi là Kiếm Chút Xu, thì ngoài kiếm tiền để trang trải sinh hoạt ra thì họ cũng rất hay làm CÔNG TÁC TỪ THIỆN, hầu như KTS nào cũng tham gia vào các dự án làm từ thiện Nhà tình nghĩa, cho người dân. Ví như có người quen nào đó NHỜ VẼ DÙM CÁI NHÀ, mà nhờ vả thì TẤT NHIÊN LÀ MIỄN PHÍ RỒI, nên gọi là NHÀ TÌNH NGHĨA, bởi vì làm việc vì cái tình cái nghĩa mà làm nhà cho người ta nên gọi là Nhà tình nghĩa là vậy!

Hay thiết kế cho khách hàng rồi nhưng lại không lấy được tiền, bị xù tiền thì cũng coi như mình làm Từ thiện, đóng góp cho đời.

Cũng thật khó hiểu tại sao người ta lại tiếc chút tiền thiết kế trong khi bỏ ra hàng trăm triệu, hàng tỷ để xây nhà. CHẲNG AI ĐI NHỜ THỢ XÂY xây nhà dùm mình, CHẲNG AI ĐI NHỜ CÁC CỬA HÀNG VẬT LIỆU giúp mấy tấn xi, cát, đá sỏi, vạn gạch cả. Có lẽ là do người ta thấy rõ cái sản phẩm hữu hình nên thấy nó cần được trả giá. Nhưng với sản phẩm trừu tượng, trí tuệ như Kiến trúc thì người ta lại nghĩ khác, họ nghĩ rằng thiết kế có thì tốt mà kg có cũng không sao, vẫn xây nhà được. KTS chỉ cần vẽ vẽ mấy cái là thành bản vẽ, dễ như trở bàn tay, nào có mất gì.

Đâu biết rằng KTS là nghề phải được đào tạo nhiều năm, chọn lọc từ những người có năng khiếu, rồi lại phải qua thực tế công việc, tích lũy kinh nghiệm,...tốn biết bao công sức, tiền bạc mới đến ngày vẽ ra được ngôi nhà. Một ngôi nhà được thiết kế khác với một công trình xây dựng chính ở những gì được thiết kế. Giá trị của sự thiết kế sẽ mang lại cho gia chủ cho đến khi họ có nhà khác.

Quan niệm: "Đàn ông xây nhà" khiến nhiều đàn ông tự đảm trách vai trò Kiến trúc sư, kỹ sư với ngôi nhà mình. Kết quả là khi xây lên thấy dở rồi lại phá, sửa, thay, chỉnh,...tốn bao nhiêu công sức và tiền bạc mà xây xong chưa chắc thấy ưng ý.

Nếu so sánh KTS như bác sĩ còn chủ nhà như người cần tư vấn khám chữa bệnh thì sẽ thấy vấn đề dễ hình dung hơn. Người bệnh tôn trọng Bác sĩ và rất biết nghe lời vì họ bị bệnh và bác sĩ là chuyên môn chữa bệnh. Người ta nào có ai dám cãi và quỵt tiền bác sĩ bao giờ, thậm chí bác sĩ có không lấy tiền thì họ còn tìm cách dấm dúi. Họ dúi tiền là mong bác sĩ hết lòng cứu chữa con bệnh nhưng lại chẳng có chủ nhà nào trả thêm xu nào cho các KTS để họ tận tâm cho ngôi nhà của mình. Nếu coi các bản vẽ như những viên thuốc thì liệu có ai dám tùy tiện bốc thuốc cho mình?

Người ta còn không dám coi thường ngay cả với y tá, hộ lý. Khi có bệnh thì dù tỉ phú cũng nghĩ câu" Trăm sự nhờ bác sĩ", còn đối với KTS thì càng nhiều tiền, quyền thì họ khéo lại càng coi KTS chỉ như 1 cái đinh, tha hồ mà gõ, lợi dụng, xù tiền, trả rẻ, mặc cả,... Nào có câu" Trăm sự nhờ KTS" bao giờ.

Có lẽ do nó liên quan đến cái đẹp, thẩm mỹ, chứ không gắn với sức khỏe nên người ta có thể tùy ý mà làm. Bác sĩ đôi khi chỉ cần khám qua lại rồi viết vài dòng nguệch ngoạc là xong việc, có tiền, còn KTS muốn ra được bản vẽ thì phải nghĩ ngày đêm rồi lại cặm cụi chuyển thành bản vẽ, ngày xưa thì vẽ trên bàn, ngày nay thì người ta gọi là " Nông dân cày bàn phím", cắm mặt vào máy tính vẽ từng đường từng nét, lao động trí óc lẫn cả chân tay, vất vả khó đo đếm. Thức đêm, dậy sớm, có khi còn nhọc hơn cả nông dân. Có làm nghề mới thấu hiểu.

Người ta nói rằng:" Phòng bệnh hơn chữa bệnh", bác sĩ là chữa bệnh, còn KTS tạo nên một ngôi nhà tốt, đẹp, hợp lý, một tổ ấm cho hạnh phúc gia đình, nơi nghỉ dưỡng thì cũng tương tương với " Phòng bệnh " rồi. Thế nên xét ở phương diện nào đó thì KTS cũng là 1 bác sĩ Phòng bệnh cho con người, một Bác sĩ Kiến trúc.

Nói vậy thôi, đã làm Sư rồi thì cũng cần coi làm từ thiện là điều tất yếu. Sư ở đây cũng tu, là tu cái đẹp, tu sự khoa học cho không gian sống của con người, tu cái đẳng cấp của người làm nghề, tu cái nghiệp kiến trúc.

Cái nghề này dù chẳng mang lại tiền nhiều và dễ cho các ông sư như người ta vẫn tưởng nhưng nó cũng rất đáng tự hào, nó là cái nghề hào hoa bậc nhất, nghề lãng mạn, bay bổng, cái nghề mà cái đẹp của mỹ thuật kết hợp với kỹ thuật để mang lại những giá trị cuộc sống. Vẽ lên giấc mơ cả đời cho bao người, mang lại tổ ấm cho các gia đình. Cái nghề đòi hỏi KTS phải như một họa sĩ, một nhà phát kiến ý tưởng, một nhà hùng biện khi trình bày, một nhà toán học khi cân đối các yếu tố của công trình, một nhà tự nhiên khi đưa thiên nhiên vào nhà,...Mỗi công trình kiến trúc là một đứa con tinh thần của các KTS. Đáng tự hào lắm chứ!

Những gì các KTS nhận lại được luôn ít hơn những gì họ đã cho đi. Trân trọng nghề KTS cũng là trân trọng ngôi nhà, tổ ấm, sức khỏe tinh thần của mỗi người. KTS chọn nghề, gắn bó với nghề không phải vì danh, vì lợi mà là vì yêu nghề, tâm huyết với nghề.
P/s:tâm sự của một KTS
[/chitiet]