[chitiet]

1. Nhất định phải có bản vẽ thiết kế
Bản vẽ thiết kế giúp bạn:
– Hình dung trước không gian, hình ảnh của công trình sau khi hoàn thành sẽ như thế nào thông qua hình phối cảnh. Kịp thời chỉnh sửa theo ý thích trước khi thực hiện.
– Các kiến trúc sư (những người chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, có con mắt thẩm mỹ…) sẽ là người suy nghĩ và lên ý tưởng cho công trình. Bạn chỉ việc góp ý, lựa chọn những phong cách, không gian mình thích mà không phải nặng đầu suy nghĩ ý tưởng “mình phải làm thế nào, bắt đầu từ đâu, mua ở đâu”. Bạn sẽ có 1 công trình mang đậm cá tính, phù hợp nhất cho riêng mình mà không phải đi copy, sao chép một công trình khác.
– Tránh được thiệt hại do người thợ không hiểu ý, thi công sai, dẫn đến phải đập phá xây lại. Tốn thời gian, chi phí, công sức…mà kết quả không được như mong muốn.
– Thông qua các bản vẽ kết cấu, bản vẽ thiết kế kiến trúc, bản vẽ thiết kế cơ điện, các kiến trúc sư sẽ tính toán cho bạn kích thước vật dụng, các thông số kỹ thuật của công trình (độ chịu lực, độ co giãn,….), sắp đặt các thiết bị phù hợp, đảm bảo thẩm mỹ, chất lượng công trình. Tránh được tình trạng “xây mù” gây tốn kém, lãng phí không cần thiết mà không đảm bảo chất lượng, nứt, vỡ khi công trình chỉ mới hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn.
– Dựa vào bản vẽ thiết kế, các kiến trúc sư có thể dự toán được chi phí cần thiết cho công trình để từ đó có những điều chỉnh cần thiết, phù hợp. Tránh được các phát sinh không lường trước, gây thiếu hụt về tài chính cho bạn. Công trình đang xây dở dang, chưa hoàn thành mà tài chính bị cạn kiệt, phải chạy khắp nơi vay mượn là 1 nỗi ám ảnh đối với các chủ đầu tư.
Chi phí cho 1 bản vẽ thiết kế là ít hơn rất nhiều so với những thiệt hại do “xây mù” gây ra (phải đập phá xây lại nhưng chất lượng công trình không đảm bảo, hình dáng công trình không đẹp, không đúng sở thích của bạn).


2. Kiên định làm đúng bản vẽ thiết kế, không nghe lời góp ý của những người không có chuyên môn, người qua đường.
– Các kiến trúc sư là những người chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản từ trường đại học, có con mắt thẩm mỹ về kiến trúc, xây dựng. Họ đã có rất nhiều kinh nghiệm và trải qua hàng trăm công trình trước khi triển khai công trình của bạn. Các sản phẩm thiết kế trước khi chuyển giao cho chủ đầu tư đều đã được tính toán tỉ mỉ, cẩn thận, kỹ lưỡng để có kích thước, giá trị phù hợp nhất cho bạn. Những người bên ngoài, không có chuyên môn, cho dù đã từng xây hàng chục ngôi nhà đi nữa thì vẫn không thể hiểu được hết công trình bằng các kiến trúc sư (người đã thiết kế công trình). Đồng thời, kinh nghiệm và kiến thức của họ vẫn không thể so sánh các kiến trúc sư chuyên nghiệp được.
– Một công trình thường bao gồm rất nhiều các hạng mục liên quan với nhau. Khi triển khai công tác thiết kế, các kiến trúc sư đã có ý tưởng bao quát, liên kết hạng mục này với hạng mục khác để tạo ra 1 tổng thể công trình chung hài hòa nhất, đẹp mắt nhất, chi phí phù hợp nhất. Những người qua đường: “9 người thì 10 ý”, họ chỉ đơn thuần nhìn vào 1 bộ phận chi tiết mà không hình dung được tổng thể công trình, không có kiến thức về kiến trúc, xây dựng và góp ý cho bạn như các “thầy bói xem voi”, mỗi người 1 kiểu và chẳng ai giống ai. Nếu chủ đầu tư không kiên định, trung thành với bản vẽ thiết kế thì kết quả tổng hợp lại công trình của bạn sẽ bị chắp vá, vỡ vụn, tốn kém và còn không đẹp nữa.
– Đừng quên rằng đây là ngôi nhà của bạn chứ không phải ngôi nhà của họ. Bạn mới là người sống trong ngôi nhà này. Hãy làm sao để bạn và người thân cảm thấy hài lòng nhất, thoải mái nhất khi sống trong chính ngôi nhà của mình. Không nên xây nhà theo kiểu “đẽo cày giữa đường” mỗi người đi qua nói một kiểu, kết quả “cái cày” không còn là “cái cày” nữa. Người ngoài không thể hiểu hết suy nghĩ và sở thích của bạn. Họ không biết bạn thích gì và cần gì.

3. Cho dù đã có bản vẽ thiết kế thì chủ đầu tư vẫn cần phải có người có kiến thức về chuyên môn để giám sát công trình.
– Hầu hết các thợ xây đều làm việc theo kinh nghiệm mà không được đào tạo, trang bị kiến thức về thiết kế, kỹ năng đọc các bản vẽ kỹ thuật (Thời gian đầu khởi nghiệp với vai trò người thợ phụ (phụ hồ), sau nhiều năm tiến dần lên vai trò thợ chính và cuối cùng tách ra lập nhóm thợ riêng, làm trưởng nhóm đứng ra nhận thầu, xây dựng theo kinh nghiệm mà không qua trường lớp đào tạo nào cả). Do đó, người thợ không hiểu hết hoặc hiểu sai bản vẽ thiết kế dẫn đến thi công sai.
– Người thợ thường thi công theo thói quen và lười đọc bản vẽ thiết kế dẫn đến thi công sai cũng là trường hợp khá phổ biến.

4. Cần có dự toán chi tiết và lựa chọn loại vật liệu, nhà cung cấp cụ thể trước khi khởi công công trình.
Dự toán công trình có 2 loại là: Dự toán khái toán và dự toán chi tiết. Dự toán khái toán là dự toán chung chung, mang tính chất ước lượng chưa chính xác. Do đó, bạn cần có 1 bản dự toán chi tiết, cụ thể khối lượng và chi phí cho từng loại vật liệu trên nguyên tắc “càng chi tiết thì càng tốt”. Đồng thời, bạn nên cộng thêm 10% – 20% chi phí dự phòng các phát sinh ngoài dự tính do hao hụt trong quá trình thi công hoặc không thể mua được đúng loại liệu cần thiết phải đổi loại vật liệu tương tự hoặc tốt hơn. Điều này sẽ giúp bạn tránh được sự bị động về tài chính trong quá trình triển khai công tác xây dựng.
– Nếu bạn không thể có bản dự toán chi tiết, hoặc lo ngại dự toán chi tiết vẫn chưa bao quát hết những vấn đề chi phí phát sinh nhưng khả năng tài chính có hạn thì hình thức thi công “chìa khóa trao tay” là phù hợp nhất cho bạn. Nhà thầu thi công sẽ thay bạn giải quyết các vấn đề đó.
– Bạn nên lựa chọn trước chủng loại và nhà cung cấp vật liệu trước khi khởi công để tránh bị động, chậm tiến độ khi công trình đang thi công.

[/chitiet]